Mình tổng hợp những từ thông dụng được dùng trong ngành nước hoa.
A B C D E F G H I K L M N O P Q R S T U V W X Y Z
A
Alcool/Alcohol/Cồn: là một thành phần quan trọng trong các loại nước hoa dạng xịt. Vai trò của Alcool trong nước hoa :
- Giúp cho nước hoa tỏa hương tốt hơn nhờ tính chất đễ bốc hơi.
- Pha loãng tinh chất theo những tỉ lệ nhất định, % tinh chất phụ thuộc vào tính chất của chai nước hoa: Cologne, Eau de Toilette hay Eau de Parfum,…
Loại alcool dùng trong nước hoa: Alcool Ethylique C2H5OH với độ tinh khiết khoảng từ 95-98° (độ tinh khiết này thay đổi tùy theo hãng nước hoa). Đọc thêm bài : Không phải loại nước hoa nào cũng chứa cồn.
B
Base: Hỗn hợp các nguyên liệu nhân tạo hay thiên nhiên được pha chế theo tỷ lệ nhất định sao cho thật hài hòa với mục đích:
- Tái tạo lại các mùi không thể chiết xuất từ thiên nhiên hoặc có giá tiền rất đắt như: hoa hồng, hoa nhài, oud, hoa chuông, mùi da thuộc,…
- Che giấu các nguyên liệu mới. Hầu hết chúng là những nguyên liệu nhân tạo, (thành quả của sự tiến bộ khoa học lỹ thuật). Tuy nhiên, chúng chưa được công bố rộng rãi do các công ty được phép giữ bản quyền 20 năm. Những base nổi tiếng có thể kể đến: base Prunol trong Féminité du Bois Serge Lutens, base Animalis trong Kouros Yves Saint Laurent, base Ambrarome, base Wardia,…
Biến thể ( Déclinaison ): là con lai của flanker và phiên bản mở rộng. Thừa hưởng tinh thần mùi hương của chai gốc, tức ta ngửi vẫn còn nhận ra chai nước hoa gốc; và thêm sau tên gốc là: Légère, L’Eau, Intense, Extrême,….Vd: La panthère légère Cartier, Brit Rythm Intense.(đọc thêm ở bài: Flanker, Phiên bản mở rộng, Biến thể và Phiên bản giới hạn của một chai nước hoa là gì? Tại sao lại có nhiều Flankers đến vậy?)
C
Công ty điều chế nước hoa/Fragrance House/Maison de composition de parfum: là một công ty chuyên về điều chế hương, tập hợp 1 hay nhiều perfumers, làm nước hoa hay hương theo đơn đặt hàng.Các công ty điều chế nổi tiếng: Givaudan, Firmenich, Symrise, IFF, Mane,….Tùy theo quy mô của từng công ty, mà sẽ có thêm các bộ phận Evaluation (phân tích, đánh giá sản phẩm), phòng thí nghiệm, giám định chất lượng,…Đọc thêm thông tin ở đây.
D
Độ lưu hương : là thời gian nước hoa lưu lại trên da của người dùng. Nhìn chung,tùy theo profil mùi của từng chai nước hoa mà độ lưu hương thay đổi. Một chai nước hoa họ citrus (cam, chanh) hoặc Cologne sẽ lưu hơn kém hơn một lọ họ oriental ( kiểu mùi Shalimar, La vie est belle) hay Eau de Parfum. Tuy nhiên, không phải chai nào citrus hay cologne thì bám tỏa kém, đơn cử là Dior Homme Cologne bám khá khủng trên da. Độ lưu hương còn thay đổi theo tính chất làn da. Nếu da bạn quá khô, nước hoa sẽ lưu lại kém.
E
Enfleurage/Sự ướp hoa : Đây là kỹ thuật lấy hương “lạnh”, là một trong những kỹ thuật cổ. Ưu điểm là nó cho phép lấy tinh chất thơm từ những loại hoa “nhạy cảm nhiệt” như hoa huệ. Nhược điểm là hiệu suất thấp, đắt tiền. Hoa được xếp lên lớp mỡ động vật, để những phân tử mùi được thấm vào mỡ. Lớp hoa này được thay từ 2,3 lần để lớp mỡ đó ngấm đầy hương hoa. Sau đó, mỡ sẽ được đem đi chiết xuất với dung môi hữu cơ. Kỹ thuật này đòi hỏi nhiều nhân công do phải thay hoa trên tấm mỡ thường xuyên ( từ 2,3 lần thay). Xem thêm Video Những kiến thức cơ bản về nước hoa.
Evaluator / Người đánh giá, thẩm định nước hoa : là người đánh thẩm định nước hoa và định hướng cho perfumer trong công việc sáng chế của họ. Evaluator phải nhớ trong đầu thật nhiều nước hoa (khác với perfumer, thiên về nguyên liệu). Evaluator cảm nhận nước hoa rất thiên về cảm xúc. Evaluator còn phải biết về lịch sử và định vị của những thương hiệu. Evaluator còn phải theo kịp xu hướng của nguyên liệu và phải để tầm mắt của mình xa tới mảnh thời trang, biến động xã hội kinh tế, phong tục tập quán của từng nước, từng vùng trên thế giới… Đọc bài viết về nghề Evaluator tại đây.
F
Fifi award: là giải Oscar trong ngành nước hoa. Giải này do The Fragrance Foundation ( “Hiệp hội nước hoa” ) trao tặng cho những sáng tạo đẹp, ra mắt hằng năm trong ngành nước hoa. Đọc chi tiết tại FiFi Award là gì?-Oscar của ngành nước hoa.
Flanker: là chị em hay anh em với chai gốc, tức vẫn giữ HỌ nhưng TÊN lại khác, trong ví dụ trên là thêm chữ Blooming Bouquet. Khác với kiểu đầu tiên, flanker của một chai nước hoa chỉ được làm ra nếu chai gốc và các phiên bản mở rộng đã đạt được một sự thành công nhất đinh trên thị trường. Ví dụ: gần đây là Black Opium và Poison Girl; hay dòng nước hoa Nam ăn theo dòng Nữ đã quá thành công: Opium pour Homme hay Arpège Lanvin pour Homme. Mùi hương của Flankers thường chỉ giữ một ít “phần sườn” của chai gốc-tức một số note chính yếu: tất cả các flanker của Poison đều có note Hoa Huệ Tây Tubéreuse. (đọc thêm ở bài: Flanker, Phiên bản mở rộng, Biến thể và Phiên bản giới hạn của một chai nước hoa là gì? Tại sao lại có nhiều Flankers đến vậy?)
G
Giấy thử mùi/Touche/Mouillette/Smelling Strips: là loại giấy có độ thấm hút và tỏa hương cao, dùng để thử nước hoa. Giấy thử mùi có rất nhiều hình dạng. Ở những công ty điều chế hay những cửa hàng nước hoa như Sephora, Nocibé, Douglas,…người ta dung loại giấy có hình dáng thon dài, đơn giản. Riêng đối với một số đợt lăng xê sản phẩm mới hay ở nhiều nhà nước hoa niche, giấy thấm mùi in nhiều họa tiết, thông tin về mùi của sản phẩm,…
H
I
K
L
M
N
O
P
Palette : trong ngành nước hoa hiện tại có hơn 10.000 nguyên liệu khác nhau, gồm thiên nhiên, tổng hợp hay bán thiên nhiên. Tuy nhiên, một perfumer thường sẽ không sử dụng hết ngần ấy nguyên liệu mà sẽ thường chọn ra những nguyên liệu yêu thích / hiểu rõ để sử dụng. Tập hợp các nguyên liệu đó gọi là Palette, như bảng màu của một họa sĩ vậy. Một perfumer thường có khoảng 200 – 500 nguyên liệu trong Palette của mình. Jean Claude Ellena, perfumer nổi tiếng về dùng rất ít nguyên liệu trong mỗi formula mà ông viết nên, palette của ông trong tầm 200 – 250 nguyên liệu, từng nói : “Dote-toi d’une collection légère: ce ne sont pas les matériaux qui créent le parfum, c’est toi” = “Trang bị cho mình một tập hợp nhẹ nhàng thôi, vì không phải những nguyên liệu tạo nên nước hoa mà là bạn”.
Perfumer / Parfumeur/ Nhà điều chế nước hoa/ Nghệ nhân nước hoa: là người cực kỳ am hiểu về raw materials/nguyên liệu thô (bao gồm cả thiên nhiên :tinh dầu hoa hồng, oải hương, patchouli,…cũng như nhân tạo: musc, cashmeran, iso E super, benzaldehyde,…). Họ nằm lòng tất cả các aspects/facettes mà một nguyên liệu có thể có, ví dụ nếu bạn nói đến hoa quế Osmanthus, không cần ngửi, nhưng họ vẫn có thể kể vanh vách rằng hoa này ngửi có mùi mơ, mùi đào, mùi da thuộc,….Ngoài ra, qua kinh nghiệm hay học tập, họ còn biết nguyên liệu nào hợp với nguyên liệu nào, nguyên liệu nào là kẻ thù của nguyên liệu nào: vd hoa hồng rất bồ kết patchouli/hoắc hương , nhưng patchouli lại cực ghét mùi biển calone. Một người perfumer thật sự , cần biết và thông thạo ít nhất 500 nguyên liệu thô như vậy. (đọc bài Làm thế nào để trở thành nhà điều chế nước hoa?). Hơn thế nữa, perfumer còn phải hiểu rõ thị hiếu mùi hương của một khách hàng hay một đất nước.
Perfumistic : tính từ, từ chuyên môn, thường được dùng để miêu tả mùi của những sản phẩm consumer product (hàng tiêu dùng như dầu gội, sữa tắm, nước xả vải, bột giặt, khử mùi…) có mùi giống nước hoa Fine fragrances. Có nhiều cách để đánh giá một sản phẩm có mùi perfumistic hay không. Các sản phẩm đó có thể có mùi hoàn toàn hay một phần giống một chai nước hoa có mặt trên thị trường và mùi đó dễ nhận biết, ví dụ: ngửi mùi dầu gội A là tôi nghĩ ngay đến nước hoa B. Hoặc sản phẩm đó có mùi hơi hướng oriental hoặc gourmand chypre, tại sao ? Thực ra khái niệm này chỉ khách quan và tôi nghĩ sẽ không tồn tại lâu. Lý do là trước đây những mùi hương phương đông oriental, gourmand chypre thường chỉ có ở nước hoa, ít xuất hiện ở consumer product. Nên khi người ta ngửi được ở consumer product có những notes như vậy thì sẽ nói ngay hương đó perfumistic mà không cần một liên tưởng nước hoa nào cụ thể. Tuy nhiên, rất nhiều các sản phẩm ngày nay có những notes hương này nên có lẽ khái niệm này sẽ không tồn tại một ngày không xa.
Phiên bản giới hạn/ Edition Limitée/ Limited Edition: được làm ra để kỷ niệm một sự kiên nào đó: như sinh nhật 50 năm ra đời của một chai nước hoa, lễ Saint Valentine, Noel hay mùa hè…Vd: L’eau par Kenzo Wild edition, L’eau par Kenzo Colors.(đọc thêm ở bài: Flanker, Phiên bản mở rộng, Biến thể và Phiên bản giới hạn của một chai nước hoa là gì? Tại sao lại có nhiều Flankers đến vậy?).
Phiên bản mở rộng / extension de gamme: là tất cả những dòng Eau de Toilette, Eau de Parfum, Parfum, Extrait de Parfum, Cologne,…của một loại nước hoa. Tuy chúng chưa chắc chỉ khác nhau về nồng độ (đọc bài Cologne, Eau de toilette, Eau de Parfum, Le Parfum…chỉ khác nhau về nồng độ?) nhưng vẫn giữ nguyên tên và tinh thần mùi hương của chai gốc, chỉ thêm tên phiên bản ở phía sau: Miss Dior Chérie EDT, Miss Dior Chérie Le Parfum….Hầu như mỗi chai nước hoa đều có ít nhất 1 phiên bản mở rộng.(đọc thêm ở bài: Flanker, Phiên bản mở rộng, Biến thể và Phiên bản giới hạn của một chai nước hoa là gì? Tại sao lại có nhiều Flankers đến vậy?).
Q
R
S
Sillage: là một từ xuất thân từ tiếng Pháp. Có nghĩa là mùi hương của một người để lại trong không gian khi đi qua một nơi nào đó. Có bao giờ bạn sững lại vì một mùi nước hoa quen thuộc hay đốn tim trên đường chưa? Nếu có, đó là Sillage đó. Một số loại nước hoa có sillage rất dễ nhận ra khi phớt ngang là : Narciso for Her, Alien Thierry Mugler, Aromatic Elixir Clinique, Sauvage Dior…
Sillage đẹp và độ lưu hương không liên quan đến nhau. Có những chai độ lưu hương cao nhưng lại không có sillage đặc biệt, k dễ nhận ra. Nhưng ngược lại, nếu một chai nước hoa có sillage đẹp, chắc chắn là độ bám tỏa tốt.
SOTD Scent Of The Day: Hương nước hoa dùng trong ngày
SOTN Scent Of The Night: Hương nước hoa dùng vào đêm hôm đó
T
Tinh dầu/Huile Essentielle/Essential Oil: đây là một từ rất hay bị nhầm lẫn khi dịch qua tiếng việt. Tinh dầu để chỉ dung dịch có được sau quá trình chiết tách hơi nước hay ép lạnh một loại cây/hoa/trái có mùi hương, ví dụ: tinh dầu hoa hồng Rose Essential Oils, tinh dầu cam Orange Essential Oils.
Dùng từ tinh dầu để chỉ “concentrate hay còn gọi là tinh chất” của nước hoa là SAI (tinh chất nước hoa là hỗn hợp các nguyên liệu tự nhiên hay tổng hợp , chưa pha với cồn và nước để cho ra nước hoa).
U
V
W
X
Y
Z
By aperfumecatcher.com
Chị ơi em được chị tư vấn cho trường Montpellier và La havre. Em cũng có tìm hiểu về trường Montpellier thì thấy điều kiện dự tuyển là phải có bằng licence hóa hoặc sinh. E thắc mắc là bằng này mình phải học ở pháp ,do pháp cấp hay là học ở đh bên VN ạ?
Hi em, miễn là có bằng đại học là được, không quan trọng Việt Nam hay Pháp nha em.
Chị ơi cho em hỏi bây giờ có những loại nước hoa của nga 15 ml bán giá khoảng 100k hàng giả nhiều nhưng hàng thật cũng có. Khônh biết là mùi vị có khác gì so với nước hoa pháp chính hãng không ạ? Mà nhân tiện cho em hỏi hiện chị đang công tác ở vị trí nào thế em cũng đang nghiên cứu về điều chế nhưng chỉ có bằng cao đẳng thôi. Liêuk có cách nào để đi không ạ. Tiếng anh của em ở mức trung bình thôi. Mong nhận được tư vấn từ chị ạ. Cảm ơn chị nhìu. Hi
Hi em,
Nếu là hàng giả thì đương nhiên mùi hương sẽ không bằng những chai chính hãng. Cái quan trọng nhất là em sẽ không biết được những chai nước hoa đó có qua kiểm định, có an toàn không, có vượt ngưỡng những chất gây kích ứng hay ung thư không. Hơn nữa, nếu đam mê và trân quý ngành này thì cũng nên ủng hộ hàng chính hãng, coi như dành sự trân trọng đó cho nhũng ng làm công việc sáng tạo :).
Nếu em học bằng tiếng Anh thì học phí sẽ đắt đó, e tham khảo bài viết về nghề perfumer của chị để chọn formation cho phù hợp nha. Bằng cao đẳng vẫn theo trường Grasse Institut Perfumery được.
Chị ơi nếu bắt đầu tìm hiểu về nước hoa í thì chị nghĩ em nên bắt đầu từ đâu??? những điều cơ bản, những cuốn sách,trang web,….mà em có thể mò mẫn, tìm tòi từ từ,.. mong chị tư vấn giúp em. Em cám ơn chị rất nhiều.
Em cũng có cùng câu hỏi với bạn này 🙂
Em cũng thích nước hoa lắm nhưng chỉ biết sơ một ít trong quá trình dùng thôi.
Còn để hiểu sâu về lĩnh vực này thì em ko biết nên tìm hiểu như thế nào?
chị vừa trả lời bạn bên dưới, ngoài ra em nên đi ngửi nước hoa càng nhiều càng tốt.
hi em, em có thể đọc fragrantica nha, có thể tìm sách của luca turin để đọc thêm.
Tại sao không thể bán tinh chất 100%pure ( không pha cồn) vậy chị? Em có tìm hiểu thì tinh chất rẻ hơn nước hoa nhiều. Nước hoa giá cao là vì thương hiệu. Nên thay vì đó tinh chất về mặt thương mại giá sẽ mềm hơn nhiều. Em có biết một số shop lấy nguồn tinh chất từ CPL Aromas hoặc YAHE BIO thì đều là fake hết hả chị?
Nguồn từ CPL AROMAS đó cũng là hàng thật ( còn yahe bio thì chị biết cty đó nên không trả lời được). Thực ra nước hoa nào cũng dc pha chế từ compounding oil hết ( tinh chất 100% pure, mix từ các nguyên liệu). Tuy nhiên nước hoa không chỉ có tinh chất là làm nên được. Còn có concept, nguồn nguyên liệu, cách người ta thiết kế chai, màu sắc, độ bền…
Em cứ tưởng tượng có những chỗ bán tô phở 40.000vnd có những chỗ lại bán 200.000, có thể cùng là vị phở miền Nam nhưng nguồn nguyên liệu, chất lượng thịt rau, cách cân bằng nguyên liệu khác nhau là sẽ khác.
Các công ty fragrance houses (cpl aromas là một trong số đó) tạm nói cho em dễ hiểu là có thể làm fragrances theo hai hướng: một là các sáng tạo riêng cho các nhà hương lớn như pure distance, lancome, givenchy,…trong đó họ được brief làm một mùi hương riêng. Dạng hai, ví dụ như có mộtt cty local muốn có mùi xà phòng tắm mùi như Chanel 5, thì các cty đó sẽ bán một compounding oil có chứa những nguyên liệu rẻ hơn, phù hợp với base xà phòng, mùi tựa như Chanel 5.
Không biết chị có trả lời được câu hỏi của em chưa?
Chị ơi cho em hỏi: Em đã tốt nghiệp đại học rồi nhưng không phải chuyên ngành về nước hoa. Nhưng em lại khá hứng thú với ngành này vậy em nên chọn học cấp bậc nào à ??
Hi em, em có đọc bài “Làm thế nào trở thành nhà điều chế nước hoa” chưa? Nếu chưa thì em tham khảo nhé, em có thể đọc comment của các bạn trước khi đặt câu hỏi nhé.