INSPIRATION RAW MATERIALS REVIEW

Tháng 5, người Pháp tặng nhau “Phong Linh Hương” và Câu chuyện về Diorissimo

Tôi gọi Hoa Linh Lan/Hoa Chuông (Muguet) là “Phong Linh Hương”, những chiếc chuông nhỏ trắng muốt mà chắc nhiều như tôi, phải lòng chúng trước khi thực sự được chạm tay vào.

Lúc còn ở Việt Nam, tôi không say mê Hoa Diên Vĩ, Hoa Oải Hương, Hoa Mộc Tê hay Bồ Công Anh như nhiều người. Tôi mơ mộng về Hoa Linh Lan,  thậm chí dùng theme Hoa Linh Lan cho blog Yahoo 360° dù tháng Năm vẫn chưa về.

Phong Linh Hương, nghe Niềm Vui trong gió

Hoa Linh Lan gắn liền với Tháng 5 vì một lẽ, vào ngày 1 Tháng 5, người Pháp hay đem tặng nhau những nhành Linh Lan để cầu chúc hạnh phúc và may mắn. Đây là một truyền thống lâu đời có từ thời vua Charles XI (1560), tuy nhiên người thực sự đem trào lưu tặng hoa Linh Lan trở lại là ca sĩ người Toulouse: Félix Mayol. Ngày 1 Tháng 5 năm 1895, Félix Mayol đến Paris biểu diễn. Đây là buổi đầu tiên trong tour Concert của ông và bất ngờ, ông được người bạn Jenny Cook tặng cho một nhành hoa chuông. Ông đã cài nó lên áo trong suốt buổi biểu diễn tối hôm đó và cả những ngày hôm sau. Chuỗi concerts của ông thành công ngoài sức tưởng tượng và ông quyết định luôn giữ nhành hoa trắng đem lại may mắn đó trên túi áo veste mỗi khi lên sân khấu. Từ đó về sau, người Pháp bắt đầu thông lệ tặng hoa Linh Lan vào ngày đầu tháng 5, để chúc nhau may mắn, gọi là Porte-Bonheur. (Theo Lefigaro.fr)

Felix Mayol và hoa Linh Lan trên áo
Felix Mayol và hoa Linh Lan trên áo

Tuy luật pháp của Pháp cấm bán hàng rong không giấy phép trên đường nhưng riêng ngày 1/5 hằng năm, ai cũng có quyền đem hoa Linh Lan mà mình trồng được ra bán.

hoa chuông
Thu hoạch hoa Linh Lan

Những lời chối từ kiêu kỳ

Trong thế giới các loại hoa có mùi thơm, hương của hoa Linh Lan được xem như một trong những hương chủ đạo và cơ bản. Vì từ hoa Linh Lan, người ta có thể tạo ra rất nhiều mùi của các loại hoa khác nhau. Thêm chút gia vị, note phấn son để cho ra hoa Lilas (Tử Đinh Hương). Nhấn nhá chút note Salicylé để cho ra hoa Huệ Tây. Bỏ vào chút note mật ong và anthranylate de méthyl để có hoa Cam…

Nhưng đáng tiếc thay, hoa Chuông, mặc cho những lời “dụ ngọt”, yêu chiều bằng phương pháp ướp hoa truyền thống Enfleurage tốn kém của những phù thủy mùi hương, nàng vẫn không cho đi “hồn hương” của mình. Hoa Linh Lan, cùng với Tử Đinh Hương (Lilas) và Cẩm Chướng (Oeillet/Carnation),…. là một trong số nhiều loài “hoa khó tính”. Chúng ta vẫn chưa chiết xuất được tinh dầu của chúng,  cái note hương Linh Lan, Tử Đinh Hương hay Cẩm Chướng có thể xuất hiện trong nước hoa cho đến hiện nay đều là nhờ vào các nguyên liệu tạo.

Diorissimo (1956) và nhánh hoa chuông sau váy áo của Ngài Dior

Hoa Linh Lan cũng là loài hoa mang lại may mắn cho những buổi trình diễn thời trang của Monsieur Dior (Ngài Dior). Ông thường đặt một nhánh hoa Linh Lan sau bộ váy của người mẫu trước khi họ bước ra sàn Catwalk.

Cũng vào những năm ấy, bậc thầy chế hương Edmond Roudnitska đang muốn bứt những sáng tạo của mình ra khỏi thời cuộc, thời của Fracas Piguet, Miss Dior l’Original, Youth Dew Estée Lauder,… : những lọ nước đậm mùi hoa, mùi aldehyde. Ông muốn mùi hương của mình phải thanh mát và trong vắt. Từ năm 1953, ông bắt tay vào tìm kiếm mùi hoa Linh Lan thật thanh mảnh và xanh như chính những bông hoa trong vườn. Xin nói thêm, ở thời điểm đó, ngành hóa học chưa đủ phát triển để có thể tái tạo lại thiên nhiên một cách dễ dàng. Phải mất đến hai năm E.Roudnitska mới hài lòng với đóa “Phong Linh Hương” của mình và tình cờ thay, ông và Christian Dior gặp nhau trong một bữa tiệc. Thế là Diorissimo ra đời với poster được vẽ bởi René Gruau: hình ảnh một người phụ nữ ôm bó hoa Muguet (Linh Lan). (Diorissimo còn là tên gọi của một bộ sưu tập của Dior ra đời năm 1954).

diorissimo muguet linh lan
Áp phích đầu tiên của Diorissimo

Tuy nhiên, mẫu chai Diorissimo đầu tiên lại không phải như trong poster. Ngài Dior “cưng” Diorissimo đến mức tự tay vẽ lại nắp cho một mẫu chai đã ra đời của nhà Dior: mẫu chai có hình như những chiếc vò hai quai của Hy Lạp cổ đại mà phụ nữ hay dùng để địu nước. Lạ thay, họa tiết hình hoa trên nắp chai lại không phải là hoa Linh Lan !

Diorissimo-bottle-original
Chai Diorissimo đầu tiên

Edmond Roudnitska và bó hoa Muguet thuần khiết

Diorissimo sau 60 năm tồn tại, vẫn đứng đó như một tượng đài Soliflore (nước hoa có mùi đơn chủ đạo) bất diệt mà ai yêu mến nước hoa thật sự đều phải biết và nhớ đến. Dù ra đời sau Muguet (Guerlain, 1908, bởi Paul Guerlain ) và Le muguet du bonheur (Caron,1952), nhưng Diorissimo mới thực sự là bó Hoa Linh Lan luôn được các perfumers nhắc tới mỗi khi nói về bông hoa trắng muốt này. 

Tuy vẫn có mặt trên thị trường nhưng với sự tấn công ồ ạt của những chiến dịch Marketing hời hợt, Diorissimo thường xếp xó buồn thiu ở tầng cuối của kệ nước hoa Dior, chịu chung số phận với các kiệt tác Dolce Vita, Diorella, For Ever and Ever,…

Nếu bạn muốn cảm nhận Diorissimo trọn vẹn, hãy tránh xa những ồn ào của đám “nước hoa có đường” nồng nặc trong cửa hàng Sephora, bước ra một nơi yên tĩnh và vấy lên tay chút bụi hương Diorissimo.

Nếu cái mũi không nghịch ngợm bóc tách từng lớp mùi hương, bạn sẽ thấy mình thực sự lạc vào một khu rừng sớm mai mà đâu đó lấp ló những khóm hoa Linh Lan chớm nở. Mùi lá non thật xanh, thoang thoảng trong gió mang theo chút mát lạnh của những giọt sương sớm còn đọng trên hoa. Càng đến gần hoa tỏa hương càng mạnh: mùi hoa Ylang Ylang (Hoàng Lan/Hoa Giẻ), mùi Trái Lê vừa chín tới, thấp thoáng là vài vệt màu pastel của Hoa HồngLẫn vào đó có bóng dáng hoa Lilas rất khẽ khàng. Note xanh vẫn ở đó, thoát ẩn thoát hiện, mang chút hơi ẩm rất đặc trưng của mùi lá xanh tự nhiên. Nhưng Diorissimo không “nông cạn”, ẩn sau lớp xiêm áo đầy hoa đó là note động vật rất tinh tế: nó lắng dịu giữa các tầng hương, giữ cho hương hoa có chiều sâu và không tạo cảm giác nhân tạo.

muguet hoa chuong
Hoa Linh Lan/Hoa Chuông (Muguet)

Những “bức họa” khác về hoa Linh Lan

Ngoài tuyệt tác Diorissimo thì bạn có thể tìm thấy mùi hương của bông hoa bé nhỏ này trong: Muguet Guerlain, Lily of the valley Penhaligon’s, Muguet Porcelaine Hermès, Miumiu.


By LeLan/aperfumecatcher.com

Tất cả bài viết ở Blog này đều do mình viết bằng kiến thức mình tích lũy qua trường lớp và kinh nghiệm làm việc. Nếu các bạn muốn đem bài viết đi đâu, xin đừng chỉnh sửa và nhớ ghi rõ tên tác giả+link dẫn về bài gốc ở Blog A perfume-catcher

Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào,  các bạn có thể comment ở dưới hay post trên trang facebook của mình my page facebook.

Đừng quên subscribe bằng email để nhận thông tin về những bài sắp tới nhé.

Cám ơn các bạn.


Bài viết có tham khảo lefigaro.fr và Les Parfums E.De Feydeau.


 

Content Protection by DMCA.com

Your comments

Leave a Reply

Your email address will not be published.