INSPIRATION

Mùi Việt Kiều – Nghe “mùi này quen quen”

Kỷ nguyên “mùi phương xa” ở Việt nam

Gu mùi hương của một vùng miền hay đất nước, gần giống như một thứ ngôn ngữ địa phương. Giống về sự hình thành và phát triển. Tức, nó chịu sự ảnh hưởng của văn hoá, lối sống, tư duy, ẩm thực, mang tính tiếp nối của những thế hệ trước và sự phát triển thích nghi với xu hướng của thế hệ mới. Thứ “phương ngữ mùi hương” đó, có giàu có hay không, sẽ tùy thuộc vào tất cả các yếu tố kể trên.

Việt Nam có một bức tranh mùi hương đa dạng và khá phát triển so với một số nước Đông Nam Á láng giềng. Chúng ta cởi mở với nhiều loại mùi hương khác nhau, dễ dàng chấp nhận những làn hương lạ, và cũng không quên giữ gìn những mùi hương ghi đậm dấu ấn riêng mình. Sự phong phú về kiến thức khứu giác và thẩm mỹ mùi hương là hai điều rất khó quan sát và ghi chép.

Sự giàu có về phong vị mùi hương ở nước ta ắt hẳn được khơi màu từ khi những mùi hương thành Ba Lê khuếch tán vào Sài Gòn. Những mùi hương thời đó, mạnh mẽ cá tính, đầy ắp hoa, gia vị, gỗ, amber và aldehydes: Chanel N°5 (Chanel, 1921), Joy (Jean Patou, 1930), Shalimar (Guerlain, 1925), Brut (Fabergé, 1964).  Nối tiếp theo đó, thị trường chứng kiến sự giao thoa mùi hương đến từ Hoa Kỳ. Những mùi hương thẫm đẫm sự tự do phóng khoáng, khởi sự vào những năm 60s, diễn tiếp vào 80s – 90s nhờ sự hồi hương của người Việt : Cool Water Men (Davidoff, 1988), Eternity Men (Calvin Klein, 1989), Boss Bottled (Hugo Boss, 1998), Drakkar Noir (Guy Laroche, 1982), Allure for Women (Chanel,1996), Trésor (Lancôme,1990). Sự du nhập mùi hương này cùng thời kỳ “tách biệt” của phương Đông-Tây, đã tạo nên một Kỷ “mùi phương xa” vô cùng đặc biệt đối với văn hoá hương, thẩm mỹ khứu giác cũng như đời sống tinh thần của người Việt.

Những mùi hương, không chỉ gói gọn trong ranh giới của những lọ nước hoa xa xỉ, mà còn là xà bông, kem dưỡng, những bộ quần áo thơm lựng; chất đầy trong những thùng hàng, va li từ hải ngoại. Với người tặng, những món quà ấy chỉ mang ý nghĩa trao tặng thuần tuý.  Nhưng với người nhận thời đó, trong tiềm thức, đôi khi còn hơn thế nữa. Họ khoác lên mình một mùi hương “phương xa” là khoác lên mình một tấm áo của xa hoa thịnh vượng.

“Mùi phương xa” đã lưu dấu mạnh mẽ trong ký ức của rất nhiều thế hệ, bao gồm những người sống trong thời gian đó và len lỏi vào cả thế hệ trẻ sau này. Để khi, những ai lên từ  kỷ “mùi hương xa”, dù muốn hay không, khứu giác đã được trải nghiệm,  khi tình cờ”nghe” lại sẽ thấy thân thuộc đến bất ngờ.  Những mùi hương “quen quen” này đã đi vào đời sống chúng ta, thông qua những sản phẩm mỹ phẩm hằng ngày, cũng như ảnh hưởng tới cách diễn giải những khái niệm qua mùi hương rất riêng của người Việt.

Dòng chảy hương hào nhoáng vào sản phẩm chăm sóc cơ thể

Sự giao thoa và tương đồng của mùi hương nước hoa và mùi hương trong những sản phẩm mỹ phẩm chỉ xảy ra một cách hiệu quả, khi một mùi hương nước hoa có được sự đặc biệt về cấu trúc và mùi. Mùi hương nước hoa này phải có dấu ấn rất riêng biệt và dễ nhận biết. Hơn thế nữa, khi những nhà điều chế hương lấy cảm hứng và biến hoá nó thành một mùi hương của sữa tắm, dầu gội, phấn, xà bông hay kem dưỡng da, thì cốt cách của mùi hương ấy vẫn phải được duy trì một cách tài tình với giá thành bình dân.

Những sản phẩm chăm sóc cơ thể có hơi hướng mùi hương nước hoa, có thể  đem đến sự cộng hưởng thú vị cho vị thế của một mùi hương nước hoa trên thị trường. Nó giúp mùi hương đó trở nên quen thuộc hơn với cánh mũi của đại chúng và từ đó, càng dễ được chấp nhận và kiếm tìm nhiều hơn. Có đi và cũng có lại, những sản phẩm tắm gội sực nước mùi hương cầu kỳ, ngoài sự nổi tiếng có được, nó cũng sẽ mang đến cảm xúc hào nhoáng cho người dùng.

Sự gần gũi và đồng điệu về phong vị hương giữa những mùi hương nước hoa và mùi hương của các sản phẩm tắm gội là nền tảng cho chúng tôi tạo ra 3 duo có vị thế quan trọng trong văn hoá hương Việt Nam.

Hoa Hoàng Lan – một thành phần rất quan trọng trong Chanel n°5 và Enchanteur charming cùng hình ảnh chồng đĩa tượng trưng cho thời xưa.

Duo 1.1 : Chanel N°5 (Chanel, 1921) & Enchanteur Charming 

Chanel N°5 là một trong những mùi hương lộng lẫy đầu tiên du nhập đến Việt Nam. Sinh ra ở Pháp năm 1921, thành công ở Paris và thắng lớn ở Hoa Kỳ. Nó nhanh chóng trở thành một mùi hương của giới thượng lưu và là một món quà sang trọng. Sáng tạo bởi perfumer Ernest Beaux, Chanel N°5 biến Aldehyde trở thành note hương thời thượng trong ngành nước hoa.

Chanel N°5 chứa trong mình không phải chỉ một Aldehyde mà là một hỗn hợp nhiều Aldehydes theo tỉ lệ 2/1/1 : Aldehyde C-11/ Aldehyde C-110/ Aldehyde C-12 với tổng hàm lượng gần 1%*. Hỗn hợp này kết hợp với hương hoa trắng (Nhài, hoa Hoàng Lan), hoa Hồng cùng gỗ Đàn hương, Vetiver và hương phấn đã tạo nên dấu ấn rất đặc trưng của Chanel N°5, giúp nó « khuếch tán » và lưu dấu khắp thế giới đến tận cả một thế kỷ sau. Hương Aldehyde góp phần giúp Chanel N°5 tỏa hương mạnh mẽ từ làn hương đầu tiên; với vai trò tầng hương đầu, nó dẫn dắt mùi hương bằng những notes hương hơi hướng citrus, nâng khối hương hoa gỗ lên và ôm ấp, làm tròn bằng những nhấn nhá xà phòng và phấn sáp sạch sẽ.

Dù không phải là chai nước hoa đầu tiên chứa aldehyde (trước đó aldehydes đã được dùng trong Rêve d’Or (1905), bởi Armingeat,  Quelques Fleurs Houbigant (Houbigant, 1912) và Bouquet de Catherine (1913)), nhưng chính Chanel N°5 đã giúp cho người dùng biết đến mùi hương có phần lạ lẫm và kỳ bí này. Sau Chanel N°5 là cả một thập kỷ ngành hương ngập tràn mùi Aldehyde với Arpège (Lanvin,1927), Liu (Guerlain, 1929), Crêpe de Chine (Millot, 1925), và sau đó ta còn thấy trong Calèche (Hermès,1961), Rive Gauche (Yves Saint Laurent, 1971), đến tận gần đây trong nhiều tác phẩm, tiêu biểu là Essence Rare (Houbigant, 2019).

Mặc dù ngày nay, trong nước hoa, người ta đã hạn chế dùng Aldehyde “theo phong cách” của Chanel N°5, để tránh những lời cảm thán «  già, lỗi thời, cổ điển » vì nó mang dấu ấn quá đậm, gợi nhớ thập niên 1920s. Tuy vậy, nó vẫn là một nhóm hương rất được ưa chuộng của các nhà điều chế hương trong nước hoa và đặc biệt là hương các sản phẩm mỹ phẩm vì đội toả mạnh và nâng hương.

Tương đồng với mùi hương đậm dấu ấn Paris này trong “giới mỹ phẩm” là Enchanteur Charming. Enchanteur Charming (Unza, Malaysia) ra đời đầu tiên dưới dạng sữa tắm, sau đó phát triển thêm dòng phấn thơm, dầu gội, khử mùi. Không lâu sau khi ra đời, nó đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và trở thành một mùi hương iconic nhất mà bất cứ ai làm về hương cũng phải “thuộc mùi”. Vương trên cả khăn tắm, độ lưu hương cùng sức khuếch tán của Enchanteur Charming rất mạnh mẽ. Tất cả nhờ vào cấu trúc vững chãi của những nốt đầu đậm mùi citrus, aldehyde cùng hoa Hoàng Lan, lót bởi hương gỗ và phấn sáp mềm mại. Mùi sữa tắm Charming đặc trưng tới mức trong hầu hết các bài test “bịt mắt” (test blind, che tên sản phẩm), người tiêu dùng vẫn có thể nhận ra nó một cách dễ dàng, mặc dù không có khả năng gọi tên ra, nhưng những từ ngữ như : sữa tắm màu vàng, mùi quen quen, mùi Pháp, sẽ thường xuất hiện trong phần miêu tả.

Enchanteur Charming xuất hiện trong thời kỳ những lọ nước hoa đắt tiền vẫn còn rất xa xỉ với phần lớn người dân. Nó nghiễm nhiên trở thành cứu cánh, giúp những quý cô khoác lên mình một mùi hương nước hoa mà không cần mặc nước hoa. Đặc biệt hơn nữa, tôi còn nhớ mẹ tôi hay dùng phấn thơm Enchanteur Charming sau khi tắm, như một bí quyết giúp mùi hương sữa tắm kéo dài trên da, vừa để làm trắng da như một loại phấn trang điểm bình dân. Enchanteur Charming đã đem thế giới hương phù phiếm đến từng ngóc ngách của Việt Nam, từ thành thị cho đến làng quê.

Citrus – thành phần quan trọng đem lại sự tươi mát cho các mùi hương Nam, cùng hình ảnh cuộn phim.

Duo 1.2 : Eternity for Men (Calvin Klein, 1989) &  X-Men Wood 

Nếu phía Nữ có Enchanteur Charming thì “đối trọng” ở dòng chăm sóc cơ thể nam là X-Men Wood. X-Men Wood đến từ công ty ICP Việt Nam, ra đời vào những năm 2000s khi thị trường nước hoa Nam đã và đang rất quen thuộc với những mùi hương nước hoa có cấu trúc Fougère hiện đại hơn. Những Pour un Homme (Caron, 1934), Brut (Fabergé, 1964) hay Paco Rabanne (Paco Rabanne, 1973) dần chìm vào quên lãng. Lúc đó có 3 mùi hương Fougère đang chiếm lĩnh : Drakkar Noir (Guy Laroche, 1982), Eternity for Men (Calvin Klein, 1989), Cool Water (Davidoff, 1988). Trong số 3 mùi này, Eternity for Men được người Việt ưa chuộng nhất và là một trong những mùi hương thường được yêu cầu qua những cú điện thoại đường dài. Ngẫu nhiên, dẫu nơi sinh ra có cách nhau nửa vòng trái đất, X-Men Wood và Eternity pour homme lại có nhiều điểm tương đồng.

Sự tương đồng về hoàn cảnh và thời điểm ra đời : vì sự xuất hiện của cả hai đã tạo được những bước chuyển mình đáng kể cho mùi hương Nam trong nước hoa và các sản phẩm chăm sóc cơ thể.

X-Men Wood ra đời khi thị trường mỹ phẩm dành riêng cho Nam ở Việt Nam hầu như chưa được khai phá và những quý ông phải chia sẻ những sản phẩm tắm gội với cả gia đình. X-Men Wood đã khám phá tiềm năng này và góp phần tạo nên nhu cầu mới cho Nam giới. Đó là các đấng mày râu phải có một mùi hương dầu gội, sữa tắm Nam tính riêng cho họ.

Eternity for Men ra mắt cuối những năm 80s, thời điểm mà mảng mùi hương cho Nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn và khởi sắc trên toàn thế giới (sau một thời kỳ dài “bị lấn lướt” bởi dòng nước hoa cho Nữ). Những mùi hương ra đời vào năm 80s đã đánh dấu một bước tiến dài cho quý ông. Chúng mang âm hưởng “tính Nam” (theo định nghĩa thời đó) rõ rệt hơn với cấu trúc Fougère chiếm phần lớn trong các sáng tạo hương, so với vị trí hầu như độc tôn của Cologne hay Woody vào những năm 60s, 70s. Eternity for Men, dẫu ra chung duo với mùi nữ Eternity for Women (1988) nhưng nó có vị thế rất riêng. Ngay cả đến tận bây giờ, tôi vẫn nghe mùi Eternity for Men được mặc khi đi dạo phố ở Việt Nam và nước ngoài. Nó nổi bật bởi sự “dày dặn” mùi, nhờ những nốt hương mát mẻ của aromatic, trên nền gỗ Patchouli, Vetiver, Musky, Amber cùng điểm nhấn hoa và gia vị nồng nàn, giúp mùi hương có độ dàn trải lớn.

Sự tương đồng về độ khuếch tán và cá tính mùi : X-Men Wood chia sẻ với Eternity for Men cấu trúc mùi Fougère nam tính cùng nền gỗ vững chãi và mùi xanh aromatic đặc trưng. Các yếu tố này giúp nó bốc toả rất tốt trong thời tiết nóng ẩm nhiệt đới của xứ An Nam và đạt được độ “sạch” cần thiết cho một mùi hương dầu gội, sữa tắm. Hương X-Men Wood vẫn tồn tại hơn 20 năm bởi nó đem lại cảm giác khi tắm gội, được đắm mình vào một mùi nước hoa. Mùi hương, vì vậy, còn gợi nhớ sự mạnh mẽ và trưởng thành rất đàn ông. Nhiều cậu bé, dù tuổi vẫn còn teen, vẫn tìm kiếm và dùng X-Men Wood như tín chỉ của sự chững chạc, thông qua bộ cánh mùi hương, như việc nhảy lên một chiếc xe máy để săn đón sự chú ý vậy.

Nói riêng về X-Men Wood, mùi hương này đặc trưng ở thị trường Việt Nam đến nỗi khi nhắc dòng X-Men, hay nói “bán tui mùi X-Men”, tự khắc người bán hàng sẽ đưa X-Men Wood cho bạn. Dù X-Men sau này đã phát triển thêm nhiều hương khác cho dòng tắm gội chính của họ, dấu ấn của mùi hương đầu tiên vẫn sâu đậm khó phai trong lòng các chàng trai Việt.

Táo xanh- nốt hương quan trọng trong Boss bottled cùng hình ảnh lá thư gửi từ nước ngoài về.

Duo 1.3: Boss Bottled (Hugo Boss, 1998) & X-men for Boss

Kỷ nguyên mùi “Táo ngọt” cho Nam bắt đầu từ Boss Bottled (Hugo Boss, 1998). Mùi hương là sự phát triển từ Hugo (Boss Bottled, 1996) với nhiều hơn những nốt hương gây nghiện vị giác: Vanilla, Quế và nốt Mận ngọt phủ hoa hồng, hoà cùng Amber, Iso E super. Quế, Iso E super, và Vanilla làm cho mùi hương trở nên rất tròn trịa và dẻo dai. Còn Mận ngọt phủ hoa hồng kết hợp với Táo xanh, biến nốt Táo trở nên vững chãi và cùng lúc đó lại rất dịu ngọt. Gắn liền với mùi hương là hình ảnh quảng cáo một chàng trai lịch lãm, chỉnh chu nhưng không kém phần phong trần, ngẫu hứng, vừa vặn trong bộ suit của Hugo Boss.

Boss Bottled xuất hiện vào thời kỳ những chàng trai thành đạt bước những bước chân đầu tiên quay về, từ nửa bên kia của thế giới. Những gương mặt sáng, tóc vuốt chỉnh chu, quần jeans, áo sơ mi rộng ủi phẳng phiu cùng mùi hương thơm nức mỗi khi ngang qua. Hình ảnh cùng mùi hương, vì thế, đã mang tới định nghĩa mới cho sự xuất chúng ở Việt Nam. Boss Bottled, từ tinh thần cho đến mùi hương, mang trong mình hơi thở của xứ cờ Hoa.

Với cấu trúc hương vô cùng vững vàng cùng tính bám toả và xâm chiếm không gian tốt, Boss Bottled nhanh chóng trở thành hình mẫu, niềm cảm hứng của rất nhiều nhà sáng chế hương. Chúng ta dễ dàng bắt gặp “dấu ấn” của mùi Táo ngọt này trong rất nhiều tác phẩm nước hoa khác, cũng như các dòng chăm sóc cá nhân cho Nam. Cùng “tầng số hương” với Boss Bottled là X-Men for Boss. Mùi hương tràn đầy năng lượng, sinh ra để đeo đuổi định nghĩa thành công. Mùi hương có ít nhiều tinh thần của Boss Bottled với tông hương gỗ trái cây, chuốc ngọt bằng Vanilla, và Nam tính một cách lịch thiệp với Gỗ Amber gói trong lớp hương phấn và gia vị. Khác hẳn với X-Men Wood, có phần hơi gồ ghề và cổ điển, X-Men for Boss, có phần phong lưu và hiện đại hơn.Một chàng trai của thế kỷ mới, khẳng khái, hăng say nhưng cũng không kém phần điềm đạm, dịu dàng.

Có thể sự cộng hưởng của X-Men for Boss và Boss Bottled đã làm cho từ Boss trở nên có tầm quan trọng rất lớn trong đời sống ở Việt Nam. Thực ra, tôi đã không nhận ra điều đó cho đến khi một anh bạn người nước ngoài, làm chung ngành hương, thắc mắc về từ này. Anh đến Việt Nam du lịch, bay Vietjet và thích thú nhận xét với tôi về Skyboss (ông chủ bầu trời – hạng thương gia của hãng máy bay nội địa này) “Woah, từ boss trong tiếng Việt có phải có nghĩa sang trọng không ? vì tôi thấy X-Men for Boss, rồi giờ lại Skyboss”. Tôi không thể không đồng ý hơn với anh! Thì ra từ Boss – ông chủ có sức nặng đến thế ở nước mình.

Mùi biển, mùi em bé, mùi kem dưỡng được diễn dịch bằng mùi hương như thế nào ? 

Kỷ nguyên “mùi phương xa” còn đem đến cho nền văn hoá hương Việt Nam những định nghĩa mới trong mùi hương, giúp ta hoà nhập vào nền “ngôn ngữ hương chung của thế giới”. Chúng ta đã học về mùi biển, mùi em bé và mùi kem dưỡng thông qua những sản phẩm từ những bước đi muôn nẻo.
Lavender – một nốt hương aromatic quan trọng trong Cool Water cùng hình ảnh tai nghe trong những tiệm internet thời xưa.

Mùi Biển – Duo 2.1 : Cool Water for Men (Davidoff, 1988)  & Coast Classic scent, The eye opener (1976)

Với thời tiết nóng của xứ nhiệt đới, ai cũng mong muốn chứa đựng được hương Biển vào một chai nước hoa. Nhưng tiếc thay, thứ nước đậm vị mặn nhất quyết không thỏa hiệp giao mùi hương cùng sự mát mẻ của mình cho những nhà điều chế. Những phù thuỷ tạo hương vì thế, đã lục lọi trong kho nguyên liệu thiên nhiên lẫn cậy nhờ các nguyên liệu hoá học để có thể truyền tải mùi Biển mà không cần một “Sea essential oil “(Tinh dầu Biển).

Sinh ra trước “thời kỳ nước” của những Kenzo pour Homme (Kenzo, 1991), Acqua di Gio (Armani, 1996) và L’Eau d’Issey pour homme (Issey Miyake, 1994), Cool Water for Men (Davidoff, 1988) đã tạo ra định nghĩa hương biển mà không cần “Tinh dầu Biển” hay Calone (một phân tử hương nhân tạo có mùi biển). Nốt hương Biển trong mùi hương sạch mát nổi tiếng bật nhất thế giới này được diễn giải một cách tài tình bởi những nốt hương aromatic cỏ cây xanh mát, Oải hương, cam Bergamot cùng một nguyên liệu nhân tạo quan trọng, chiếm hơn 10% trong công thức : Dihydromyrcenol – mùi sạch sẽ, tinh tươm, tươi mát cỏ cây, đượm chút gỗ sạch. Cool Water for Men dễ dàng đem đến sự tươi mát tức thì cho những ai mặc nó. Sự mát mẻ, sạch sẽ này được vận dụng rất nhiều trong những thập kỷ tiếp theo để nói về Fresh note hay Sea note trong hương.

Một hương Biển mà không Biển khác, tương đồng về độ mát, cũng vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam là Coast Classic scent, The eye opener (1976). Dễ mang về, dễ bảo quản cùng giá thành rẻ, xà bông Coast nhanh chóng lên đầu danh sách quà của những người xa quê. Giây phút khui vali chia đồ mà không có Coast, hẳn không trọn vẹn. Xà bông Irish Spring Original dù ra mắt trước đó, tuy vẫn được nhiều người gói ghém mang về,  nhưng có vẻ sự mát mẻ từ Biển cùng màu xanh biển đã thuyết phục chúng ta nhiều hơn của Rừng và màu xanh lá cây. Người Việt ưa chuộng xà bông Coast đến mức nó có hẳn một nhà máy ở Việt Nam, chuyên sản xuất cho thị trường nội địa. Dẫu thế, tôi vẫn thường nghe những bạn có người thân phương xa nói rằng, “xà bông bên kia đem về thơm hơn nha”!

Tôi đã không biết đến dòng chữ The eye opener trên bao bì của cục xà bông Coast đến khi lục tìm lại hình cho bài viết này. Coast đã đánh bại Irish Spring đang nổi đình nổi đám thời điểm đó với concept “Mát đến tỉnh dậy tức thời” – The eye opener. Mùi hương của Coast, không thực sự Biển như tên gọi hay màu sắc, nhưng những nốt hương căng tràn aromatic Oải hương, cam quýt cùng gỗ, đã chuyển hoá thành công sự thanh sạch và sống động của những cơn sóng. Khi vừa thức dậy, hãy đi tắm Coast nếu muốn bừng tỉnh và tràn trề năng lực lập tức.

Đào cùng Vanilla – hai nốt hương trong Trésor Lancôme cùng hình ảnh bàn học.

Mùi em bé – Duo 2.2 : Trésor (Lancôme, 1990) & Johnson & Johnson Baby shampoo (1953)

Mùi em bé cũng là một  khái niệm mùi hương vô cùng thú vị vì nó rất khác theo từng nền văn hoá.

Ở Pháp, mùi em bé gắn liền với mùi dầu gội em bé Mixa màu vàng. Mùi hương được phát triển bởi L’Oreal vào năm 1969, theo tông hương Cologne với nhiều cam quýt, hoa neroli, hoa Lan dạ hương (Hyacinth), aromatic cùng hương xạ hương và phấn ngọt nhẹ. Từ xưa, với dân Châu Âu, hương Cologne nhiều tín hiệu của sự sạch sẽ, khỏe mạnh và sát khuẩn. Nên cũng không lạ khi mùi hương em bé của Tây Ban Nha cũng xoay quanh các nốt hương này.

Ngược lại, mùi của những đứa trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ lại rất khác. Sinh ra ở Mỹ vào năm 1893, ra mắt đầu tiên dưới dạng phấn, hương Johnson & Johnson baby powder mang tông hương hoa và phấn, chút animalic, có phần hơi cũ kỹ và nặng nề so với cologne của Pháp. Mùi em bé của Johnson & Johnson có độ khuếch tán rộng, với hương phấn sáp, hoa hồng, cẩm chướng đầy gia vị, hương ngọt sâu lắng nhờ Benzoin và Vanilla, xạ hương, với chút hương aldehyde sạch sẽ giúp nâng đỡ tông hương có phần hơi nặng nề này. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, để chào đón Thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomer), Johnson & Johnson cho ra đời dầu gội No more tear – không cay mắt, dành cho trẻ em vào năm 1953. Hương thơm có phần nhẹ nhàng hơn, thanh sạch, aldehyde sạch sẽ, phấn, hoá và trái cây.

Dòng chảy mùi em bé của Johnson & Johnson đi qua Philippines, Mexico, Colombia, Anh, Ấn độ và đương nhiên cũng du nhập đến Việt Nam. Chúng ta ưa chuộng cả hai loại sản phẩm : dầu gội và phấn từ Johnson & Johnson. Văn hoá “Tắm xong xức phấn” cho trẻ nhỏ, vẫn còn được giữ cho đến hiện nay, nhất là ở miền Nam Việt Nam. Hầu như đứa bé nào cũng đã từng tắm gội trong chất thơm màu vàng óng ả đó và lớn lên với hương Vanilla dịu ngọt. Cũng có thể vì thế, khứu giác người Việt đặc biệt có cảm tình với những mùi hương vươn phấn “cosmetic”, xạ hương , vanilla có chút kiểu mùi “em bé” và hơi aldehyde xà phòng.

Trésor ra mắt vào năm 1990, vì Lancôme muốn có một mùi hương thật khác biệt với kỷ mùi hương gay gắt, ồn ào, nồng nực trước đó. Trésor phải là một mùi hương rất đàn bà, hương của một người phụ nữ trưởng thành về tâm tư, coi trọng giá trị gia đình, bình an và trân trọng cuộc sống. “Le parfum des instants précieux” – câu slogan “Mùi hương của những khoảnh khắc quý giá” đã rất thành công xâu chuỗi những triết lý mà Lancôme muốn truyền tải đến những người phụ nữ của những năm 90s. Mùi hương tách biệt khỏi chếch choáng dục vọng của những nốt hương gia vị, amber trước đó, thay thế bằng những nốt hương đàn bà chín chắn dịu dàng. Hương đàn bà từ đào tơ, xạ hương, đậm phấn, gỗ đàn hương kem sữa cùng hoa nhẹ nhàng. Mùi hương tròn như bông, dư hương êm ái, ngân nga trên da.

Có phải sự tròn đầy và bình yên đều có mùi phấn và xạ hương?

Hoa nhài, hoa hồng – hai khía cạnh hương quan trọng của Allure Woman và Nivea cùng hình ảnh cuộn băng, máy quay phim.

Mùi Kem dưỡng – Duo 2.3:  Allure for Women (Chanel, 1996)  & Nivea Blue Tin (1911)

Làn sóng hương thứ 2 từ Châu Âu những năm 90s,  dù muộn nhưng đã góp phần rất lớn vào một số khái niệm về mùi của chúng ta. Tiêu biểu nhất là mùi kem dưỡng da. Khởi nguồn từ những hộp thiếc xanh Nivea, với chất kem đặc quánh cùng độ dưỡng ẩm vượt trội do được thiết kế dành cho những đất nước với mùa đông kéo dài. Nếu thân nhân xứ cờ hoa có Coast thì thân nhân Châu Âu có Nivea. Giá thành phải chăng cùng làn hương khá đặc biệt thời đó, Nivea nhanh chóng trở thành “Mother of all creams”. Nivea có gốc “nix, nivis” trong tiếng Latinh, có nghĩa là tuyết, kết hợp cùng chất kem trắng, nên Nivea có nghĩa là “tuyết trắng”. Mùi hương nổi bật nhờ vào nốt hương hoa Linh Lan, kết hợp cùng hoa hồng, hương phấn hoa Violet, xạ hương thơm lựng. Tổng thể mùi hương như một đám mây nhẹ nhàng ôm lấy da.

Tại sao mùi hương này đặc biệt ? Nếu ta nhìn vào thời điểm ra đời – năm 1911,  thì hương Linh Lan trong Nivea là một đột phá. Linh Lan là một loài hoa “lặng tiếng”, tức nó không dễ dàng cho đi tinh chất thơm của mình bằng bất cứ phương pháp chiết xuất nào. Các nhà điều chế hương chỉ có thể trông chờ vào sự phát triển của ngành hoá học cùng phân tử mùi hương nhân tạo. Vào năm 1905, sự xuất hiện của phân tử thơm Hydroxycitronellal (từ Knoll & Co.), một phân tử không tồn tại ở dạng tự nhiên, mà hoàn toàn là sáng tạo của con người từ phòng thí nghiệm, đã giải quyết được bài toán cho nốt hương trong trẻo thanh mảnh còn thiếu để tạo nên hương Linh Lan. Ở thời điểm năm 1911, vẫn chưa có chai nước hoa nào thực sự chứa mùi Linh Lan nổi bật. Thế nên nốt hương Linh Lan xuất hiện trong Nivea là một sáng tạo nguyên mẫu, đột phá. Chúng ta khi nhắc đến Linh Lan, hay nhắc về Diorissimo (Dior, 1956) như một tượng đài và hay quên mất Nivea Blue Tin cũng xứng đáng đứng trong những mùi hương tiên phong về loài hoa đỏm dáng này.

Tôi chọn Allure For Women (Chanel, 1996) để đi chung với Nivea Blue Tin trong duo này, bởi cả hai mùi hương đều có những nốt hương đầy nội nhưng lại kết hợp với nhau rất hài hoà và tròn trịa vô cùng. Và đương nhiên, Allure for Women cũng tràn ngập trong những chiếc vali đến từ hải ngoại. Nếu Nivea đầy đặn bởi đoá hoa (bouquet floral) được bao bọc bởi nốt hương phấn và xạ hương, thì trong Allure, đoá hoa được cân bằng bởi gỗ, vanilla và amber. Dẫu cùng phong vị hương Oriental với Poison (Dior, 1985), nhưng Allure lại đem lại cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.

Cả hương Nivea và Allure for Women đều có chiều sâu, chứa đựng tính nữ nồng nàn, mềm mại, dai dẳng và bồng bềnh.

Ôn cố tri tân

Tôi thích tìm hiểu, bóc tách lịch sử qua lăng kính mùi hương vì nó mang đầy những yếu tố cảm xúc và rất con người. Hương đi đến não chúng ta bằng một giác quan ít được để ý mà cũng chẳng ghi chép giấy mực được, nên thật may, chẳng bao giờ bị nghiêm cấm! Hương ở lại đó, trong những xúc cảm, được truyền đi qua nhiều thế hệ như một bài vè, đồng dao. Hương kiên nhẫn chờ một làn gió thân quen, lướt ngang, những ký ức tự dưng được khai phá, ùa về.

Ký ức của mỗi người về “mùi phương xa” sẽ rất khác nhau, 6 tấm ảnh, 12 mùi hương và những câu chuyện trong bài sẽ không thể nào kể đủ cả một thời kỳ văn hoá hương du nhập vào Việt Nam. Chúng tôi biết mình đã bỏ qua Polo Sportđậm chất phi công với chai xanh nắp bạc, mùi hương Tabu Dana bí ẩn hư hỏng, những đê mê thoát ly của Calvin Klein Escape hay Obsession, tự tại đàn bà Charlie Revlon, mùi hương của những cô cậu trẻ mới lớn “The Real American fragrance” Tommy Hilfiger for Men và Tommy Girl, mùi trà xanh vượt thời gian Elizabeth Arden Green Tea và còn nhiều mùi hương khác nữa.

Chúng tôi đã ôn cố tri tân, còn bạn ? Những “mùi phương xa mà gần” của bạn là gì ? Bạn đã đi và trở về bằng mùi hương chưa ?

“Một mai nắng xanh ngời, rời nơi nương náu một thời, về trong đôi mắt rạng ngời”
(Nước ngoài – Phan Mạnh Quỳnh)
Máy bay, xà bông Irish Spring

Written By A perfume-catcher
Art Director – Set Designer: Vũ Nhật Đăng Khoa, Photographer: Đỗ Sỹ,  Producer: Châu Võ, Retouch: Nguyễn Duy, Assistant: Bội Linh, Phạm Tú.

– Một phần của bài viết được sử dụng trong tạp chí L’Officiel số tháng 9/2022.
– Bài viết có những phân tích và cảm nhận cá nhân về mùi hương.
– Năm ra đời của những mùi hương nước hoa được lấy nguồn từ Les Parfums, Histoire, Anthologie, Dictionnaire của Elizabeth de Feydeau, tiếng Pháp, xuất bản năm 2011, NXB  Robert Laffont, Paris. Sự chênh lệch 1, 2 năm trong những nguồn tài liệu khác nhau có thể xảy ra, do trước đây, nước hoa thường sẽ được ra mắt trước ở Pháp 1 năm so với các thị trường khác.
*Nez La revue olfactive, number 10, trang 17, tiếng Pháp, xuất bản năm 2020, NXB Nez editions.
Digiprove sealCopyright secured by Digiprove © 2022 le lan
Content Protection by DMCA.com

Your comments

2 Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published.