“Good artists copy, great artists steal”*
Năm 1905, François Coty cho ra mắt L’Origan, lần đầu tiên note ionone ( hoa violet) được dùng trong perfume, cùng với hoa oeillet cẩm chướng, hoa cam , lót bởi lớp vanille ấm áp. Nhanh chóng, lọ nước hoa với accord Origan huyền thoại được đón nhận nồng nhiệt.7 năm sau, Guerlain cho ra đời L’Heure Bleue, trên nền Origan, Jacques Guerlain cho thêm hồi hương, vẽ Paris lúc hoàng hôn, lúc tranh sáng tranh tối.
Năm 1917, lại một lần nữa Coty làm giới nước hoa khuynh đảo khi sáng tạo ra Chypre, hỗn hợp hương Bergamote-Rose, Jasmin-Mousse de Chêne, Ciste, Patchouli (Cam Bergamote- Hoa hồng, Hoa lài- Rêu gỗ sồi, Ciste và Hoắc hương). Coty không chỉ sáng tạo ra một lọ nước hoa mà còn sáng tạo ra cả một họ nước hoa ( olfactive familly), trong đó đương nhiên Chypre là anh cả. Không có Chypre Coty, sẽ không có Miss Dior chérie, Narciso for Her, Cristalle Chanel, Coco Mademoiselle,… và sẽ không có Mitsouko nhà Guerlain năm 1919. Lại lần nữa, Jacques Guerlain lại biến tấu Chypre Coty thành best seller bằng cách thêm một base đậm mùi Đào: Persicol.
François Coty, cha đẻ của thế giới nước hoa hiện đại, tạo ra những” trường phái”, còn Jacques Guerlain trở thành “họa sĩ “có « tranh » bán chạy hàng đầu trong “trường phái” đó.
Chuyện copy hay lấy cảm hứng không còn mới lạ, tuy nhiên Jacques Guerlain chỉ bằng cách ngửi mùi (thời đó chưa có máy móc phân tích hương) đã làm mới nó một cách trí tuệ và đầy tính nghệ sĩ.
Tuy nhiên, ngày nay, cái chấm phá cá nhân đó ít nhiều đã bị “công nghiệp hóa”. Sự cạnh tranh khủng khiếp của rất nhiều nhãn hàng, guồng máy khổng lồ của Marketing và sự các kỹ thuật phân tích tiên tiến, đã chi phối ngành nước hoa rất nhiều.
Tháng 5/2011, Le Monde, một tờ báo Pháp ra một bài rất hay về chiến lược của tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Henessy), dần dà người ta sẽ không còn thấy tên Christine Nagel dưới chai Miss Dior Chérie, Olivier Polge dưới chai Dior Homme, Jean Louis Sieuzac-Michel Almairac sau chai Fahrenheit, Calice Becker và J’adore, Alberto Morillas kế bên Flower by Kenzo. LVMH đã François Demachy về làm giám đốc sáng tạo cho toàn bộ dòng nước hoa của LVMH bao gồm: Guerlain, Kenzo, Dior, Givenchy, Acqua di Parma,…Bằng cách tung ra hàng loạt flankers và versions khác nhau của các loại nước hoa chủ chốt kể trên, do François Demachy ký tên, LVMH đang quay lưng dần với Givaudan, IFF, Symrise,…(các công ty điều chế – fragrance houses). Dior dần tự chế tinh chất hương cho riêng mình.
Thế tại sao các công ty lại để tập đoàn phỏng tay trên như thế? Tại sao họ không kiện cáo?
Bản quyền nước hoa: chuyện xưa nói mãi…
Vấn đề bản quyền làm đau đầu giới làm nước hoa vì công thức nước hoa KHÔNG bao giờ có thể đem đi đăng ký bản quyền. Rất lạ đúng không ? Bạn có biết tại sao lại thế không ? Vì bản quyền chỉ tồn tại 20 năm và sau 20 năm đó, các công thức với đầy đủ các thành phần và định lượng sẽ được công bố rộng rãi ra công chúng. Và đương nhiên, chẳng nhà sáng chế hương nào muốn điều đó cả.Các kỹ thuật phân tích hương tiên tiến đã ra đời làm cho việc bảo vệ bản quyền của một chai nước hoa ngày càng khó khăn. Thế nên, các thương hiệu lớn hay các công ty điều chế (House of composition) không ngừng tìm mọi cách để bảo về công thức của mình.
- Sử dụng nguyên liệu thiên nhiên ở lượng rất nhỏ : nhiều perfumer sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên ở định lượng rất nhỏ để các máy phân tích không thể tìm ra.
- Sử dụng captif ** : Những công ty điều chế lớn : Givaudan, Firmenich, IFF, Symrise, Takasago..thường nghiên cứu và phát triển những nguyên liệu nhân tạo mới (synthetic raw material). Những nguyên liệu nhân tạo này là 1 phân tử hương, được đăng ký bản quyền.
Vậy còn quyền tác giả ? Quyền tác giả có thể kéo dài 70 năm sau khi tác giả mất (tác giả ở đây là perfumer). Thọat đầu, ta nghĩ đây phương án khả thi duy nhất. Tuy thế, quyền tác giả có thể gây bất lợi cho công ty sở hữu công thức mùi hương đó. Trong trường hợp, tác giả mất trước thời hạn 70 năm, các công ty điều chế nước hoa hoặc các nhãn hàng muốn làm một version hay một flanker khác để duy trì doanh thu của mùi hương đó, hay chỉ đơn giản là cải biên công thức cho hợp với quy định hiện thời, họ sẽ phải gặp nhiều rắc rối pháp lý. Và suy cho cùng, các công ty hương hay các nhãn hàng đều « lấy cảm hứng » của nhau rất nhiều trong quá trình sáng chế thế nên thật sự đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Do đó, vấn đề bản quyền mãi là câu hỏi lớn trong ngành nước hoa và sẽ chắc không bao giờ có lời đáp nào thỏa đáng!
Năm 1999, trường hợp thắng kiện hiếm hoi rơi vào tay Thierry Mulger cho dòng nước hoa Angel, vs Nirmala nhà Molinard. Thierry Mulger đã thành công khi chứng minh được rằng Nirmala gốc ra đời vào năm 1930 hoàn toàn không có điểm chung với chai được sản xuất những năm 90. Nhà Molinard rõ ràng đã dùng chiêu “bình cũ rượu mới”, tức thay đổi công thức của Nirmala, và làm nó khá giống Angel. Tạo ra nhầm lẫn cho rất nhiều người giữa Nirmala và Angel và giá của Nirmala đương nhiên rẻ hơn “Ngôi sao” rất nhiều.
Vụ kiện đã được lên báo L’express, ai biết tiếng Pháp có thể tham khảo ở đây: http://lexpansion.lexpress.fr/actualite-economique/faux-a-plein-nez_487905.html
*Pablo Picasso : Good artists copy, great artists steal
By aperfumecatcher
Bài viết rất hay và bổ ích. Sẽ hay hơn nữa nếu có thể đc giải thích chút ít về các thuật ngữ hoặc add link bài đã có, như vậy sẽ tiện theo dõi cho những người mới tìm hiểu về ngành này. (blockbusters, Niche, flankers…)
Cảm ơn ad!
Cảm ơn bạn, mình cũng đang làm một bài “TỪ ĐIỂN NƯỚC HOA” để giải thích các thuật ngữ thông dụng. Về Flankers, bạn có thể đọc trước ở đây, bài này mình viết cụ thể về các phiên bản, biến thể của nước hoa: https://aperfumecatcher.wordpress.com/2016/02/15/flanker-phien-ban-mo-rong-bien-the-va-phien-ban-gioi-han-cua-mot-chai-nuoc-hoa-la-gi-tai-sao-lai-co-nhieu-flankers-den-vay/
Đọc bài này đúng ý chị 🙂 nước hoa giờ muốn tìm hương thơm độc đáo duy nhất thể hiện sở thích và cá tính thật khó, chưa kể lại còn mau hết mốt nữa. Để kiếm ra lọ nước hoa có hương classic mà không thuộc dòng classic (theo cảm nhận của chị) thật khó. Có lẽ phải kiếm những chai nổi tiếng rồi để 10 năm nó thành của độc thì lại ra classic chăng 🙂
Sao chị lại không thích nước hoa classic vậy chị? Nó thực sự hay và đáng nhớ thì nó mới trở thành classic đó chị ;). Có những chai ra một hai năm thì ngta đã mặc nhiên coi là classic vì nó quá hay như Terre d’hermes chẳng hạn. Nên em toàn dùng nước hoa theo sở thích của cá nhân thôi. Mình thực sự yêu mùi hương đó, cảm nhận nó thì mặc lên nó tự nhiên thành duy nhất!