Đây là ảnh chụp màn hình LinkedIn của tôi mấy ngày trước, tức lúc Dior vừa tung ra chai Poison Girl. Dân Marketing L’Oréal “buộc tội” Dior nhái Black Opium-hương càfe đình đám của họ, ra mắt hồi năm rồi. Hôm qua tôi mới có dịp đi ngửi và so sánh hai lọ với nhau.
Thực ra tôi đã có dịp hít hà Poison Girl từ hồi tháng 7 năm rồi, tức trong giai đoạn phát triển sản phẩm. Lúc đó, tôi không có Black Opium trong tay nên không so sánh được, với lại tôi cũng cảm thấy không giống gì cho lắm. Note huệ tây trong Poison Girl khá đậm nét, tone hoa trầm và gai góc. Còn Black Opium thì note cafe hơi ngọt, không quá đắng, note là đà, tròn trĩnh đến phút cuối, ít cao trào. Tuy nhiên nếu không có hai chai nước hoa kế bên và không ngửi kỹ, người bình thường có thể nhầm lẫn hai sáng tạo này với nhau, vì cơ bản, hai chai này cùng familly.
Christian Dior từ thời François Demachy, tức năm 2004 đến nay hơi bị nhiều tai tiếng. Người ta kết tội Dior hay “bắt chước” để chạy theo kịp thị trường như vũ bão.
Năm 2001, Jacques Polge nhà Chanel tung ra Coco Madmoiselle, rồi Chance năm 2002, mở đầu cho dòng nước hoa “Chypre hiện đại” (chypre moderne), tức có thêm note ngọt của kẹo, của trái cây, bớt đi note trầm của rêu sồi mousse de chêne và hoắc hương patchouli. Thành công ngoài mong đợi của Coco Madmoiselle và Chance của Chanel làm cho Dior phải thấp thỏm cho ra lọ Miss Dior Chérie năm 2015, flanker đình đám của Miss Dior.
Rồi lần gần đây nhất là Sauvage năm 2015, mục đích để kình với Chanel Bleu ra năm 2010. Dù sinh sau đẻ muộn so với nhiều đàn anh, nhưng Bleu Chanel làm bá chủ hầu hết các bản top ten nước hoa yêu thích, của người Pháp (năm 2015, Chanel Bleu là dòng nước hoa nam bán chạy nhất) lẫn người Châu Á. Các dòng nước hoa nam khác của Dior như Dior Homme, Eau Sauvage, Dune, Fahrenheit,…đều không vượt qua được Bleu. Trong đó, Dior Homme mặc dù được đánh giá khá cao nhưng do hương hơi đàn bà và hơi ngọt nên khá kén người mặc. Còn Eau Sauvage, tuy rất đẹp, là một bản cologne hoàn hảo nhưng do xuất hiện từ năm 1966 nên hay bị gắn mác già.
Thực ra không thể đổ tội cho François Demachy, vì thực tế ông mang đến cho Dior rất nhiều sáng tạo đẹp, gần nhất là Fève Délicieuse trong bộ Collection Privé Dior, rồi bộ tứ Escales, trong đó thành công nhất là Escale à Portofino. Tôi chỉ không hiểu, sao ông không dành tâm huyết ra, sáng tạo một chai thật đẹp cho thị trường toàn cầu?
Nhà Dior càng ngày càng mất đi rất nhiều fan có thâm niên trong ngành do chán ngán với những thị phi và những sáng tạo “gần giống” những gì họ đã thấy trên thị trường. Tôi mong trong tương lai, Dior bớt làm flanker của J’adore, của Miss Dior, của Dior Homme,…để dành sức lực tung ra một chai nước hoa hoàn hảo, để lại cho tôi một ấn tượng đẹp về Demachy của Dior.
From the one who loves Dior.
By LeLan/aperfumecatcher.com
Tất cả bài viết ở Blog này đều do mình viết bằng kiến thức mình tích lũy qua trường lớp và kinh nghiệm làm việc. Nếu các bạn muốn đem bài viết đi đâu, xin đừng chỉnh sửa và nhớ ghi rõ tên tác giả+link dẫn về bài gốc ở Blog A perfume-catcher.
Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào, các bạn có thể comment ở dưới hay post trên trang facebook của mình my page facebook.
Đừng quên subscribe bằng email để nhận thông tin về những bài sắp tới nhé.
Cám ơn các bạn.
6 Comments