INSPIRATION

Editions de Parfums Frederic Malle, nhà xuất bản những ve lọ thơm “thất truyền”

Quý ông con nhà nòi và ký ức thơm lừng

Tôi thích cách giới thiệu của Frederic Mallle về ông trong cuốn sách bản to ngạo nghễ nhiều hình minh hoạ với phong chữ đầy kiêu hãnh “De l’art du parfum”, hằn nhiều dấu môi đỏ mọng đầy gơi cảm. Ông xem cuộc hành trình của mình với thế giới mùi hương là “một định mệnh không tránh khỏi”.

Là cháu của Serge Heftler-người đồng sáng lập Parfums Christian Dior, con của Marie-Christine Wittgenstein-từng làm việc 40 năm như là người dẫn dắt những sáng tạo của nhà Dior, nước hoa từ rất sớm đã là một phần trong Fréderic Malle. Tuổi thơ của ông được ôm ấp bởi những kỷ niệm thơm lừng khó phai: Miss Dior, Eau sauvage,….Ông lại có cơ hội bè bạn với nhiều perfumers lúc trẻ , tạo điều kiện cho sự làm việc ăn ý sau này cho những “cuốn sách » của nhà xuất bản Fréderic Malle. Pierre Bourdon là một ví dụ. Fréderic Malle và Pierre Bourdon biết nhau nhờ mối quan hệ đồng nghiệp thân tình của René Bourdon và Marie Christine. Pierre Bourdon, tác giả của Iris Poudre, French Lover, Kouros YSL, Cool Water Davidoff, là người đầu tiên được Frederic Malle chia sẻ ý tưởng về ” Nhà xuất bản”.

Cũng phải nhấn mạnh sự kết hợp ăn ý và tôn trọng mà perfumers dành cho Fréderic Malle  không phải nhờ vào thân thế, mà phần lớn nhờ vào sự nhạy cảm về mùi hương, sức sáng tạo và tầm nhìn ở ông. Ở mỗi “cuốn sách” được xuất bản, tôi thấy được sự tận tâm của Fréderic Malle về mùi hương. Ông không làm hương để thoả mãn công chúng, không lựa chọn chúng dựa trên những cuộc tests dường như không có hồi kết với người tiêu dùng. Ông đào bới sâu hơn, tìm những hình hài hương chưa hiện hữu hoặc vẫn còn nằm trong “ngăn tủ của perfumers” bởi những nỗi sợ mang tên “khác biệt ».

Người đi ngược xu hướng thành Evaluator bậc nhất 

Những năm 1980s, lịch sử nước hoa sang trang. Đó là khoảng thời gian chuyển tiếp giữa những cửa hiệu nước hoa độc lập sùng bái mùi hương  với những « siêu thị nước hoa ». Sự xuất hiện của chuỗi phân phối nước hoa Douglas, rồi đến Sephora và Marionnaud, thay thế cho những boutiques mùi hương mà người bán lắng nghe và lựa chọn nước hoa theo gu của khách hàng (tương tự với boutique Niche thời nay). Sephora, Douglas đem nước hoa đến gần người tiêu dùng hơn nhưng cũng đồng thời đe dọa đến những mùi hương thật sự. Vì ở Sephora, Douglas, nước hoa trước khi « tỏa hương » phải « thu hút » được ánh nhìn.

Fréderic Malle, quý ông tôn thờ những giá trị thực của mùi hương, dè chừng « cuộc cách tân» nghe chừng hoa mỹ đó. Ông trốn chạy khỏi dòng chảy xu hướng, lập nên Editions de Parfums, một trong những nhà Niche hiếm hoi vào năm 2000, cùng với Annick Goutal và Serge Lutens. Monsieur Malle, với ước vọng gìn giữ cảm nhận khứu giác trong trẻo nhất, làm việc trực tiếp với những quái kiệt bào chế hương Pierre Bourdon, Dominique Ropion, Jean Claude Ellena,….mà không thông qua bất cứ bộ phận tiếp thị, concept hay branding nào. Chai lọ « đồng phục » làm cho người ta chỉ tin vào gu khứu giác của chính bản thân mình. Mọi phong vị của một mùi hương vẫn giữ cho mình sự huyền bí mà không cần đến chất tạo màu hay những hình hài thương mại.

Editor, Evaluator, Creative Director hay Inspirator Fréderic Malle nghiền ngẫm, đánh giá, phôi thai hay truyền cảm hứng tạo ra những mùi hương nổi loạn, gây nghiện, hào phóng và đậm chất thơ. Fréderic Malle như thể Gertrude Stein* của Paris vào những năm hội hè miên man.

Thú vị nhất, ông luôn xem mình là Evaluator hơn là Creative Director. Trong quá trình chế hương, Evaluator là người gần gũi với perfumer nhất và song hành với từng biến cố dù là nhỏ nhặt của một mùi hương. Evaluator dẫn dắt, chỉnh sửa, lắng nghe, cùng perfumer đưa mùi hương đến gần hình hài mà khách hàng muốn có nhất. Fréderic Malle không xem mình là khách hàng khi đặt perfumer viết hương, ông xem mình là người đồng hành với họ. Những người si mê hương mới là khách hàng. Nhờ thế, Fréderic Malle có được sự gắn kết, tin tưởng mà chỉ ít evaluators có được.

Những vật thể mùi hương “décalés”**

Khi nhìn nhận một chai nước hoa hay một xu hướng thời trang, tôi tin chẳng ai nói về nó như một vật thể riêng lẻ tách biệt, người ta thường phải so sánh, đối chiếu với những gì đã diễn ra trong quá khứ cũng như thực tại. Chẳng hạn, nếu lấy Angel Thierry Mugler so sánh với những chai nước hoa ngọt lịm ngày nay thì thực sự Angel chẳng quá nổi bật. Nhưng bạn biết không, Angel ra đời vào những năm đầu 90s, giữa những chai floral đậm đặc Loulou Cacharel, Poison Dior, Eternity CK,….note chocolat, kẹo bông gòn thử hỏi sao không tạo cú shock lớn trong giới nước hoa cho được.

Fréderic Malle cho ra đời Xạ hương chếch choáng Musc Ravageur năm 2000. Mùi hương nồng nực, dễ gây nghiện của những giọt mồ hôi kín đáo hông khô dưới nắng, quyện với thứ hương đàn bà ngọt ngào ám ảnh phong vị phương Đông của năm 1925 (năm ra đời của Shalimar). Musc Ravageur nằm sâu trong ngăn tủ Maurice Roucel từ năm 1998 bởi những note hương nóng bỏng nhiều gia vị, ấm gỗ đàn hương santal, hơi hướng animalic kén người mặc. Ngay cả đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn xem đây là một chai nước hoa không dễ khoác lên người chứ đừng nói gì đến năm 2000, thời của Flower by Kenzo.

 

Fréderic Malle xuất bản Portrait of a Lady bởi Dominique Ropion vào năm 2010, một trong ít mùi hương Niche đắt tiền, gây nghiện dân Tây (góp mặt trong danh sách còn có Bois d’Argent Christian Dior). Mang hơi hướng vintage của Aromatic Elixir. Sillage hương chypre oriental hoa hồng hoắc hương trái cây huyền hoặc xuất hiện dường như khắp kinh thành Ba Lê hoa lệ. Ngay cả những bến métro nhếch nhác, đông đúc chật chội một sáng thứ hai, hay đẫm mồ hôi giờ tan tầm, Portrait of a Lady cũng có thể tuông vào sống mũi của những kẻ nhạy cảm yêu hương bất cứ lúc nào. Ít nhất một lần một tuần, tần suất đó có thể sánh với La Vie est Belle Lancôme, Rive Gauche Yves Saint Laurent hay Hypnotic Poison Dior.

Fréderic Malle đem Le Parfum de Thérèse bởi Edmond Roudnitska, đến những người yêu hương sau gần nửa thế kỷ chỉ được mặc bởi Thérèse – vợ của Monsieur Roudnitska. Le parfum de Thérèse là một trong những mùi hương không hợp thời lúc nó sinh ra nhất mà tôi từng ngửi. Melon, plastic, bublegum ở tầng hương đầu vào những năm 1950s?! Cảm giác như nghe một đoạn nhạc EDM trong một cuốn phim đen trắng vậy. Dù những tầng hương sau mang dáng dấp của Femme de Rochas (1944) với mận Prune, gỗ Vetiver và tuyết tùng Cèdre; note hương đầu cũng thật sự quá lạ lẫm với những người làm nước hoa lúc đó. Đến mãi sau năm 1990, nhờ J’adore Christian Dior, người ta thực sự mới bắt đầu quen với hương trái cây có chút phần trẻ con đó. Le Parfum de Thérèse với tôi vừa đàn bà chính chắn, lại vừa tinh nghịch trẻ trung đến lạ là vì vậy.

18 năm, chỉ gần 30 “cuốn sách” được xuất bản bởi Fréderic Malle. So với những nhà Niche khác, đây là một con số rất nhỏ. Nói không với flanker và discontinuation, mỗi sáng tạo từ nhà Fréderic Malle luôn mang những thông điệp mạnh mẽ và được trau chuốt kỹ lưỡng. Và chúng tôi, những người yêu hương bằng cả trái tim, luôn háo hức chờ đợi được lần dở những “trang sách” được “chấp bút” bởi ông và cộng sự, để chạm vào những câu chuyện….chưa ai kể.

 


*Gertrude Stein (1874-1946): là một nhà văn người Mỹ, nhưng chủ yếu sống tại Pháp. Bà là người có sự đóng góp rất quan trọng trong quá trình phát triển của nghệ thuật đương đại. Căn hộ của bà 27 rue des Fleurs vào những năm Paris “điên loạn” – Les Années Folles 1920s là nơi gặp gỡ của những nghệ sĩ đi trước thời đại như Pablo Picasso, F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway. Bộ sưu tập tranh khổng lồ của bà gồm Pierre Aguste Renoir, Pablo Picasso, Paul Cézanne,… góp phần rất lớn cho việc truyền bá những tác phẩm này.

**décalé (tính từ): không tuân thủ quy tắc, không như người ta mong đợi. Ngày nay từ này đã dần có nghĩa tích cực khi mà người ta không ngừng tìm kiếm những điều khác biệt.


By aperfumecatcher

*bài viết có tham khảo “De l’art du parfum”, Fréderic Malle.

Content Protection by DMCA.com

Your comments

9 Comments

  1. Chị ơi, khi nào có thời gian chị có thể viết 1 bài về nhà tạo hương không ạ? Em search thì tiếng Anh là flavorist. Em rất muốn biết thêm về nghề này nhưng search trên google thông tin quá ít ỏi đến đáng thương luôn ạ. Em xin cảm ơn chị.

    1. Em không biết liệu flavorist có đúng là tên của nghề này không vì em biết được nghề này qua một quyển được dịch thành tiếng Việt và họ không đề cập đến tên tiếng Anh chính xác của nghề là gì, trong đó nói như vậy:

      Sáng chế mùi hương cũng chính là dùng những mùi hương khác nhau để kết hợp thành một mùi hoàn toàn mới mà đối phương cần. Dù là điều chế hương hay các phương pháp trị liệu bằng mùi hương thì cũng chỉ là một loại trong sáng chế mùi hương. Một nhà sáng chế mùi hương có thể tham gia vào đủ các lĩnh vực. Một nhà điều chế hương giỏi chưa chắc đã trở thành một nhà sáng chế hương. Nhưng một nhà sáng chế hương thì chắc chắn đã phải là một nhà điều chế hương bậc thầy. Bởi vì nhà sáng chế hương không những phải có khả năng kết hợp các loại mùi hương khác nhau mà còn phải có khả năng phân tích mùi hương. Ngoài việc phải hiểu biết tất cả tên của các mùi hương mà khách hàng cần cũng như miêu tả được các loại mùi mà các nhà điều chế hương đã biến tấu, những người như vậy còn phải thấu hiểu được cảm giác của khách hàng đối với mùi hương, đây mới là trách nhiệm quan trọng bậc nhất. Một nhà sáng chế hương xuất sắc cũng giống như một đầu bếp đại tài. Họ sẽ lấy đi thành phần mùi hương mà mình cần trên một vật chất nào đó để đạt được mục đích gây ảnh hưởng tới người khác, họ có thể cứu người, thậm chí… còn có thể giết người trong thinh lặng.

      1. Well, cái định nghĩa này hơi lung tung, đọc hơi rối. Chị cũng không hiểu sao họ lại phân biệt nhà điều chế hương và nhà sáng chế hương vì thực ra theo chị là một, chỉ hơi khác cách gọi. E có thể tra từng perfumer và đọc định nghĩa tiếng anh nhé. Thế thì dễ hiểu hơn đó. Em có thể tham khảo định nghĩa chị viết ( theo kinh nghiệm và hiểu biết) nhưng đương nhiên nghề nào cũng vậy , em không thể định nghĩa nó một cách hoàn chỉnh bằng từ ngữ đúng k?
        http://aperfumecatcher.com/tu-vung-chuyen-nganh-nuoc-hoa/#P

      1. Em hiểu rồi ạ. Cảm ơn chị nhiều nha ^^ nhưng em còn một thắc mắc là nhân vật trong câu chuyện đó không chỉ thông thạo về mảng nước hoa mà hầu như các mảng của lĩnh vực mùi hương luôn ạ, như dùng mùi hương để chữa bệnh, để gây ảo giác với ông A có một con ma luôn bám theo ông A khiến ông A hoảng sợ… Sau khi đọc link giải thích của chị em nghĩ có lẽ đây không phải là một nghề cụ thể nào mà là tổng hợp của các nghề trong lĩnh vực mùi hương, mà tổng hợp như vậy thì khó có từ nào phù hợp, không biết em nghĩ thế đúng không ạ?

          1. Câu chuyện em đọc trong một quyển sách ạ. Bây giờ thì em hiểu rồi, cảm ơn chị rất nhiều vì đã chia sẻ kiến thức và giải thích cho em hiểu nha. Tuy nhiên em vẫn có hứng thú với nghề flavorist, hy vọng trong tương lai không xa chị sẽ viết một bài về nghề này. Chúc chị một ngày tốt lành ^^

          2. À nghề flavorist là làm hương liệu cho thức ăn và đồ uống, chị không rành nghề đó nên chắc em phải chịu khó tìm hiểu trên mạng rồi 🙂 chứ chắc chị k viết được. Nghề đó phải dùng vị giác và khứu giác cùng một lúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published.